Tuesday, September 21, 2010

Hang Tôm và Hoàng Su Phì

ùa xuân năm ngoái tôi có đi một cung dài, dự định chạy từ Hà Nội qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo, Mường Lay, Sìn Hồ, Sapa, Mường Khương, Pha Long, Bắc Hà, Hoàng Su Phì rồi xuôi về. Nhưng cuối cùng chuyến đi đã không thể hoàn thành trọn vẹn do tôi bị gọi gấp về HN. Cung đường chỉ đến được Bắc Hà rồi phải bẻ xuống luôn. Hành trình nối tây - đông của tôi còn thiếu một mảnh ghép, ấy là Hoàng Su Phì. Dù sau bận đó tôi có đi thêm nhiều lần lên các mạn đó, nhưng lại không có lần nào cắt vào HSP. Đến mùa thu này, lúa đã nhuộm vàng khắp các thung lũng, Hoàng Su Phì cũng vào mùa, ruộng bậc thang óng ả, nắng dãi tràn trề, trời trong văn vắt, chẳng có lúc nào tuyệt vời hơn để nối trọn hành trình dang dở trước đây.

Khi ngồi lẩn mẩn xâu lại những đoạn kí ức về chuyến đi mùa xuân năm ngoái, tôi nhớ đến cây cầu Hang Tôm. Ở điểm nối giữa mùa đông và mùa xuân, những con đường Tây Bắc vẫn còn đỏ đặng hoang dại, dã quỳ và trạng nguyên rực rỡ sau những tầng bụi đỏ, những con đường đất vẽ những viền vàng lên những ngọn đồi xanh bạc, và kịp đón xuân bên những hiên nhà, nơi những gốc mận đã xòe hoa trắng một góc trời. Trên đoạn đường có đủ tất cả những màu sắc thần kì ấy, có cả nỗi hoang hoải lẫn sức sống mãnh liệt ấy, cây cầu Hang Tôm đứng ở giữa Tây Bắc, làm một gạch nối đơn sơ mà quan trọng giữa Điện Biên, Lai Châu và Sơn La. Cây cầu thấm trong nó lịch sử và tinh thần vùng đất ấy. Khi đi qua, có người nhớ, có người quên nó đẹp hay nó quan trọng chừng nào, như một lẽ tự nhiên khi bước qua một cây cầu, một lẽ tự nhiên vút qua một con đường có vô vàn điểm nhấn. Nhưng khi người ta biết sẽ chẳng còn lâu nữa cái điều tưởng là yên bình, bất biến kia sẽ biến mất mãi mãi trong cuộc đời này, cái gạch nối ấy biến mất như rạch lấy một quãng đứt gẫy giữa những vùng đất, giữa những vùng kí ức và giữa quá khứ với tương lai, người ta sẽ buồn mà tiếc nó biết mấy. Sự tiếc nuối hay đến quá muộn khi mọi thứ đã diễn ra rồi.

Mùa thu năm nay, cầu Hang Tôm đã cùng với cả thị trấn Mường Lay và một vùng bao la quanh đó, bao gồm dòng sông Đà dữ dội, sẽ chìm trong nước, chìm trong lịch sử, để một hình ảnh mới sang trang - thủy điện Sơn La.

Sẽ có một cầu Hang Tôm mới, một thị trấn Mường Lay mới, một lòng hồ thủy điện yên tĩnh mênh mông... Những dấu tích cũ của đời sống, văn hóa, lịch sử sẽ chìm mãi mãi trong hàng tỉ mét khối nước, biến mất trong không gian, mờ dần theo thời gian, tan dần trong kí ức, cũng giống như muôn vàn những điều khác trong cái xã hội đang chuyển mình thành hiện đại này.