Wednesday, April 28, 2010

Từ phở bò đến bún bò

Từ bao giờ đã thành một thói quen, trước mỗi chuyến đi xa, đặc biệt nếu đi xe máy, tôi sẽ ăn một bát phở. Và khi trở về, khi ba lô bám đầy bụi đường, đôi chân mỏi mệt, tôi lại ăn một bát phở. Phở, nhất định là phở bò. Phở bò hiện hữu trong những nỗi nhớ nhung, trong những cơn đói mềm, những buổi sáng mùa đông gió mùa lạnh ngắt, và cả những đêm hè vừa ăn vừa đếm từng giọt mồ hôi rơi.

Tình yêu Hà Nội trong tôi lớn dần lên từ những năm tháng ấu thơ, từ những miền kí ức xa xôi đã có mùi phở chín, mùi kem chanh, kẹo kéo, có hàng phở ông Thấu ở phố trên, có những cây bàng lá đỏ, có những quả bàng chín rụng đầy gốc quệt vôi trắng đục, có hồ Gươm, Tháp Bút, bên kia đường hàng phở và nước mía đang chờ.


Ở Hà Nội có thức quà nào cạnh tranh được với phở. Người người ăn phở sáng, phở trưa, phở tối và cả phở đêm. Hàng phở mọc lên khắp nơi, từ những hàng phở lớn gia truyền mở từ sáng đến đêm, đến những hàng phở nhỏ xíu chỉ phục vụ khu vực dân cư xung quanh, hay bán đêm cùng cháo, mỳ, miến. Phở nước mới là phở truyền thống, chỉ có phở gà và phở bò. Hàng phở ngon, ít nhất phải là hàng chuyên bán phở bò hoặc phở gà, bởi hai loại này cần nước dùng riêng. Hàng nào dùng hai loại phở chung một nồi nước dùng, thậm chí còn cho bún, mỳ, miến… chỉ là loại phở ăn cho đầy dạ dày. Nhưng quá nửa đêm đi tìm một bát phở, được ăn thứ nước dùng chung ấy mà tạm vừa miệng thì cũng đủ sung sướng lắm rồi.



Mấy lần vào Huế, tôi đều ăn bún bò. Chẳng cần phải vào Huế cũng biết bún bò là món ăn nổi tiếng và rất phổ biến. Nhưng phải vào Huế mới biết rằng bún bò được ăn nhiều như thế, như phở ở Hà Nội. Buổi sáng các hàng bún đã đông nghịt, từ nhà hàng bún mặt tiền rộng 10m chờ săn đón những khách du lịch như tôi đến hàng bún đầu ngõ chỉ kê dăm chiếc ghế con. Đêm, đi bộ hàng cây số cũng chỉ thấy các hàng bún và chè nối nhau trên những vỉa hè dài rộng vắng lặng.

Bún bò đặc trưng cho ẩm thực Huế, có cả vị chua, cay, ngọt, có mùi mắm và những miếng giò tôm rất thơm, nước dùng ươm màu đỏ và trong, có rau sống ăn kèm. Tôi không biết mỗi khi đi xa người Huế có mang trong mình nỗi nhớ mùi vị bún bò như tôi vẫn nhớ mấy bát phở chín nước trong của tôi không, nhưng chắc hẳn những người đã một lần đến Huế, khi ra đi sẽ nhớ lắm cái cảm giác gần gụi ở những quán hàng này.

Món ăn là văn hóa, món ăn là bản sắc. Tôi ăn và ngẫm nghĩ. Điều gì gửi gắm trong mỗi món ăn này. Điều gì đã khiến hương vị của nó trở thành biểu tượng ẩm thực, trở thành thứ thân quen nhất với người ở và nhớ nhung nhất với người đi. Bây giờ từ món phở lợn khói nghi ngút trong sáng chợ phiên Mường Khương đến đĩa cơm gà đậm đà phố Hội đều khiến tôi xao xuyến. Ở đó có hương vị thật đặc trưng, có cách ăn, cách sống, có cách hỏi chuyện thật thân thương.


Mỗi nơi trên đất nước này đều có bao điều để khám phá, để thương, và nhớ. Mọi thứ sẽ chỉ sượt qua đầu óc ta, nếu ta không lắng nghe, nhìn chăm chú, nếm, sờ, và cảm nhận về nó thật chậm rãi. Đến Huế lần thứ ba, tôi chợt giật mình không biết đã bao lần mình hời hợt trên những chuyến đi, biết bao điều còn nằm lại sau những giọt mắm và những chiếc lá bay. Chầm chậm thôi, hãy thử, nhớ và yêu mỗi hương vị trên đất nước này, như nếm thìa nước phở đầu tiên trong một đêm đông
.

Saturday, April 17, 2010

First love letter

Này anh, mình đã bao giờ viết thư tình cho nhau chưa nhỉ. Em không nhớ nữa. Trong tâm trí em một số kỉ niệm đã bị mờ đi phần đánh dấu thời gian. Cũng có lúc em tự hỏi mình là: có phải em quên quá nhanh? Không giống phụ nữ nói chung, những người có tài năng nhớ rất chi tiết giờ giấc ngày tháng những thứ ngọt ngào, hay hờn giận, diễn ra trong những năm yêu đương dài dằng dặc, em đã bắt đầu quên chi tiết của một số thứ, như anh vẫn quên. Nhưng điều đó cũng tốt mà, mình chỉ nhớ những dấu mốc thật lớn, tuyệt vời thay, nhờ có việc xóa bớt những thứ nhờ nhờ mờ mịt, em nhớ chúng rõ ràng đến kì lạ.

Bây giờ em đang nhớ đến anh, đang ở cách em 800km. Em nhớ đến những lần mình xa nhau vài ngày như thế này, em thấy mình ngày càng bình thản với việc không có anh bên cạnh. Nỗi nhớ không còn như đứa trẻ giãy lên vì bị tước mất đồ chơi yêu thích, nỗi nhớ không còn cường điệu nỗi cô đơn, nỗi nhớ cũng không còn thẫn thờ ngơ ngẩn. Em ấm áp khi nghĩ đến anh, sắp trở về rồi. Em thoải mái thả mình trong những bận rộn và thú vui của riêng mình, không sốt ruột đợi chờ, không xa vắng lạnh lùng. Em thương, em nhớ anh. Chỉ đơn giản thế thôi. Nhớ anh.


Mình đã gặp nhau 5 năm rồi đấy anh. Cứ yêu, cứ thương nhau như tự nhiên là thế. Chưa nói lời chia tay lần nào, không mấy lần cãi vã, mình đi bên nhau từ ngày còn ngây ngô, đến hôm nay, anh đã khác xưa, em cũng vậy, nhưng ta vẫn yêu nhau. Có lần mình nói chuyện với nhau, người ta hay hứa hẹn yêu nhau mãi mãi, nhưng mình chưa bao giờ như vậy. Anh có tin vào từ " mãi mãi" không anh? Anh không biết, em cũng không biết, mình chỉ cần thương nhau và gìn giữ thôi anh.


Hôm nay em nhìn bàn tay trái của mình, ở cái nơi mấy tháng nữa sẽ có một chiếc nhẫn, em cảm thấy bâng khuâng. Cuộc sống rồi sẽ thế nào nhỉ? Em không muốn nói là em sợ, nhưng em không thể giấu nỗi lo. Mà anh yêu ơi, em không muốn nhận cái nhẫn đấy theo cách thông thường. Em cũng không muốn mình chia sẻ cuộc sống theo những lối mòn mà biết bao người quanh chúng ta đã và đang bước vào bằng đôi mắt mỏi mệt và tâm hồn xơ cứng từng ngày.


Nhưng em biết, em sẽ ổn mà.



Béo ơi,

Em sẽ nói, rất nhiều lần, mỗi ngày.
Em yêu anh.

Thursday, April 8, 2010

Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu

Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế.

Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê

Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa.

Người đã đến và người sẽ về bên kia núi

Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời.
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời.

Dưới ngọn đèn một bóng chim qua

Giữa đường đi một người đứng gọi
Có biết gì về ngày chưa tới.
Những ngày ngồi rủ tóc âm u
Nghe tiền thần về chào bóng lạ
Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu.

(Cỏ xót xa đưa - TCS)


----------------------


Rồi xa dấu từ đây.

Hôm nay nghe Cỏ xót xa đưa mà muốn khóc. Sẽ đến ngày những nỗi buồn không còn là của riêng mình, nỗi cô đơn không còn là của riêng mình. Một ngày kia thức dậy, không còn thấy ánh sáng lờ mờ qua khe của là của riêng mình, thế giới không còn điên, không còn say, không còn nỗi nhớ, không còn mộng mị. Ngày qua đêm tới rồi lại ngày sang. Mưa nắng sẽ mở toang mọi khung trời. Một ngày kia sẽ không còn tôi, không còn những rưng rưng và những cơn khát, tôi sẽ loang dài trong những khuôn màu nhợt nhạt, những màu hồng phấn êm êm, những màu xanh dịu dịu, những màu xám khô cằn.

.................


Còn chút hao gầy..
.