Wednesday, December 7, 2011

Nói về Vòng Tròn.


Hôm qua tôi đã làm một việc tương đối đáng ngạc nhiên với bản thân mình, ấy là rất lâu rồi mới lại sôi sùng sục lên mua một album nhạc Việt: album Vòng Tròn của Hồng Nhung.

Đầu tiên xin nói về giá, rất bất ngờ, nó có giá gấp 3-4 lần một album bình thường: 290k.
Nói thực là lúc cô bán hàng nói giá, tôi đã choáng mất 1 giây, không thể tin nổi, chính cô bán hàng còn đứng "buôn" với tôi rằng album này phá cả kỉ lục "đắt đỏ" mà trước đấy Mỹ Linh lập ra.
Nói đến đây, không có nghĩa là tôi viết để kêu ca chuyện đắt rẻ, bởi lẽ ở cái thời buổi sản phẩm âm nhạc chất lượng như sao buổi sớm,  giá của Vòng Tròn âu không có gì là đáng ngạc nhiên lắm, nó cũng hợp lý với giá trị của nó. Điều đáng nói là từ giá bán, tôi nhìn thấy sự đầu tư của nhà sản xuất và sự tự tin của Hồng Nhung.

Tất nhiên, hoàn toàn xứng đáng.

Đã rất lâu mới có một album Việt ấn tượng với tôi như thế, mà lại còn là nhạc điện tử, thể loại ít được quan tâm ở Việt Nam.

Hồng Nhung, sau nhiều năm lạc giữa rất nhiều sản phẩm tầm tầm, bỗng xuất hiện trở lại hoành tráng với sự "lột xác" trong Vòng Tròn. Không hề kì vọng, nhưng khi nghe online lần đầu tiên, tôi thực sự bất ngờ vì album quá tốt. Kết hợp giữa electronic và một chút hơi thở dân gian, âm nhạc của Quốc Trung hiện đại mà mê hoặc biến ảo, dù có nghe riêng instumental thì vẫn rất trọn vẹn. Giọng hát của Hồng Nhung vừa lạ vừa quen, quen với sắc giọng vẫn mộc mạc, ấm áp, nhiều cảm xúc như cũ, nhưng mới lạ ở cách xử lý, vừa sôi nổi, vừa thoải mái, vừa đĩnh đạc, vừa thanh thoát. Không thể không nhắc đến đội ngũ nhạc sĩ tham gia viết ca khúc trong album này, có cảm giác như họ đã tìm thấy được nhà sản xuất và ca sĩ có thể "chọn mặt gửi vàng", và thực sự điều đó đã diễn ra, mọi thứ hòa hợp một cách đáng ngưỡng mộ.

Những ca khúc tôi ấn tượng nhất album này cũng là các track "đinh" của album: Nghịch nắng, Vòng tròn và Papa. Nếu như Vòng Tròn mạnh mẽ, khắc khoải, cường liệt, thể hiện rõ nhất sự thay đổi ở cô Bống, điểm nhấn đậm nét nhất của album, Papa cực kì cảm động, tràn đầy xúc cảm và ấm áp thì Nghịch Nắng lại lấp lánh diệu kì. Khi nghe lần đầu tiên, Nghịch nắng khiến tôi vô cùng ấn tượng bởi cả ca từ lẫn cách hát của Hồng Nhung.
Ngoài ra Giấc mơ ngày bé, Anh đừng đi và Ngao du cũng là những ca khúc tôi thích. Có một điều khá cảm tính là tôi hoàn toàn không thích các đoạn hát tiếng Anh của Hồng Nhung. Cô hát phần lời Việt tình cảm bao nhiêu thì đoạn lời Anh nghe khô bấy nhiêu.

Phần hình ảnh của album cũng khá ổn. Phần vỏ nhựa hơi mỏng manh và hơi lởm khởm, bù lại artbook đẹp, ảnh đẹp, chất giấy đẹp. Trong album cũng được tặng kèm 1 đĩa DVD.

Trong thời gian tới, có lẽ trong nhiều năm tới, người ta sẽ vẫn nhắc về album này, như một sản phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Hồng Nhung và Quốc Trung.

Tuesday, December 6, 2011

Nghe gió ở Angkor

Đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc yên bình nhất. Srah Srang tĩnh lặng trong nắng chiều…

Những ngày ở Siem Reap để lại trong tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Nó giống như một cơn gió nhỏ len vào tim và cứ ở đó bí mật thổi lên những ngọn lửa lách tách.
Thật lạ kì, đôi khi những điều khắc sâu vào tâm trí ta lại không phải những thứ thường được người đời ca tụng. Khi cầm trên tay những cuốn sách về Angkor, tôi đã chẳng bao giờ ngờ rằng điều mình nhớ nhất ở nơi đây lại chẳng phải là hình ảnh Angkor Wat rạng dần lên giữa ánh sáng huyền hoặc buổi bình minh, chẳng phải những gương mặt Bayon bí ẩn, mà lại là những góc khiêm nhường hơn nhiều.
Tôi rất thích những lúc đi bên trong các ngôi đền và ngắm nghía ánh sáng mờ nhạt sương khói lách qua những khối đá rêu phong , điều đó tạo cảm giác như ta đang sa dần vào thế giới huyền bí của ngàn năm trước, đến độ có thể nghe thấy những tiếng thì thầm từ lòng đất. Sự tĩnh lặng của những dãy hành lang dài, màu trầm ngâm từ những pho tượng đã chẳng còn nguyên vẹn, hơi lạnh có phần thần bí và những phiến đá xanh khiến các giác quan dường như được đánh thức, đưa tôi vào cảm thức của vĩnh hằng. Đó là một cảm giác khó giải thích, tựa hồ như ranh giới giữa tỉnh táo và u mê, giữa sự sống hữu hạn hiện lên trong hơi thở của mình và thế giới vô hạn từ bóng tối. Khi đứng giữa những tạo tác của thời gian, thật khó có thể ngăn mình cảm thấy bâng khuâng trước những dòng chảy của lịch sử, miên man giữa những câu hỏi không đầu không cuối, rồi sực tỉnh và lại kiếm tìm, chắp nối các cột mốc từ quyển sách trên tay với những chú giải trên tường, mỉm cười mường tượng ung dung.
Trái ngược với cái nóng bên ngoài, ở trong đền lúc nào cũng mát lạnh, thành thử không gian càng trở nên dễ chịu. Mỗi lúc đến thăm một ngôi đền, tôi đều chỉ mong nhanh chóng chui tọt vào trong, càng sâu càng tốt, lang thang và nuông chiều bản thân trong những suy nghĩ mông lung. Sự u tịch có phần trang nghiêm nhưng không khắc nghiệt ở đấy như một bàn tay mềm ve vuốt tâm trí, khiến tất thảy đều trở nên nhẹ nhõm và thanh thản.
Tôi cũng thích mỗi lúc di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác trong quần thể Angkor. Những con đường tuyệt diệu! Chúng là sự hòa hợp hoàn hảo giữa một bên là những di tích đẹp đẽ nằm yên ả trong những khu rừng khơi gợi ham mê khám phá và một bên là con đường rợp mát đầy thoải mái. Giống như ta an nhiên lướt đi giữa những bức tranh lạ lẫm kì thú với những cơn gió lồng lộng cả trên tóc cả trong tim, những con đường ấy khiến tôi yêu thích còn nhiều hơn cả việc dừng hẳn lại để thăm thú một ngôi đền nào đó bên đường.

Thanh thản là thế, thích thú là thế, nhưng đáng nhớ nhất, thì có lẽ phải là khi ở Srah Srang.
Đúng vậy.
Đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc yên bình nhất. Srah Srang tĩnh lặng trong nắng chiều…
Tôi cũng không hiểu vì lí do vì sao lại yêu quí buổi chiều hôm ấy đến vậy. Srah Srang chỉ là một điểm đến được đánh dấu highlight với vỏn vẹn một dòng duy nhất, về sự tĩnh lặng mà nó mang lại. Nhưng với tôi, dường như thế đã là quá đủ.  Ở đó không có gì đặc biệt hùng tráng nổi bật. Srah Srang về cơ bản chỉ là một cái hồ phục vụ cho mục đích thủy lợi và là nơi tắm của các cung nữ, chiều dài khoảng 700m, được bao bọc bởi cây xanh. Khi tới đây, khách du lịch thường quan tâm nhiều hơn tới Banteay Kdei, nằm đối diện với nó. Vì vậy mà khi đứng ở phía ngoài, tôi không nuôi chút háo hức nào cho Srah Srang. Nhưng tất nhiên tôi đã nhầm. Srah Srang đẹp dịu dàng, dù khi ấy không phải thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng, dịu dàng đến độ bao nhiêu mỏi mệt của tôi sau một ngày nắng gắt dường như tan biến, tất cả tâm tư trôi tuột ra ngoài, để lại cái thân rỗng nhẹ nhàng chìm xuống.
Tôi chìm xuống thật. Cứ như thể không còn sót lại một chút ý niệm đặc biệt nào trong đầu, mọi thứ nhòa đi như màu nước Srah Srang, êm đềm, mềm mượt, thanh bình. Cứ như thể những hanh hao bỗng chốc khô giòn dưới nắng, tôi thả bay trên mặt nước long lanh như những chiếc lá thu. Tôi cứ ngồi lặng im nhìn về phía bờ hồ bên kia, dưới cái nắng mỏi mệt mà một lúc trước đó tôi còn muốn bỏ trốn.  Không hiểu cái nắng lúc ấy có chợt trở nên dễ chịu hơn không, cũng không hiểu Srah Srang có thật mê đắm như thế không, nhưng chắc rằng tôi đã chìm sâu trong chính mình như thế, với tất cả bình yên không thể nào quên.
Srah Srang…

Friday, November 25, 2011

Tri kỷ.

Những ngày này tựa như không có chút sinh khí nào, dù thời tiết tuyệt đẹp để phấn khích.

Trong cơn u mê tẻ nhạt, lòng tôi lắng dịu vì nhận được thư nàng. Nói là thư thì không đúng lắm vì nàng đã trao nó - một tấm card đẹp có dòng chữ in nổi bật "Men come and go but friends are forever" cùng với dấu hôn và chiếc khăn màu đỏ. Chính xác là một món quà, nhân dịp mùa đông, hoặc không nhân dịp gì. Nàng vẫn thường như vậy, thi thoảng lại tặng cho tôi một món quà, không vì lí do gì hơn biết rằng tôi sẽ thích.

Đôi khi tôi cảm giác như giữa chúng tôi có một tình yêu đặc biệt mà từ trong đó đã nở một bông hoa thanh khiết vô ngần, như từ trong tiềm thức có sợi chỉ vàng buộc lấy tim nhau mà hứa hẹn, rằng trong cuộc đời này còn mãi một bóng hoa luôn ở đó thấu hiểu, âu yếm, lãng mạn và yên tâm biết chừng nào.

Cứ hay đi tìm những người hiểu mình, và cũng đôi ba lần thất vọng, nhưng may sao tôi chưa bao giờ quên bên cạnh có nàng, há chẳng phải là tri kỷ thương mến nhất đời đó sao.

Monday, October 17, 2011

Nhạt thếch

Tôi cứ chìm mãi trong cơn mỏi mệt này.

Vì sao lại thế?

Như thể không làm sao tương thích hoàn toàn được với cuộc sống này. Người như tôi, không chịu được sống một mình, lúc nào cũng lo sợ cô đơn đến kiệt cùng, nhưng thật sự chỉ nên sống một mình.

Quá dễ dàng tổn thương, quá dễ dàng tự cô lập và đóng cửa lòng mình, lúc nào cũng lo liếm láp vết thương...

Từ trong bóng tối nhàu nát, tôi cảm thấy mình tẻ nhạt và yếu đuối. Tại sao những thứ tôi đang có không làm tôi yên lòng, dù ngẫm ra không hề tệ. Cứ luẩn quẩn mãi, ngoi lên vài tuần rồi lại chìm xuống. Như chưa từng bước ra khỏi bóng tối, chỉ chợt hé cửa thò nửa bàn chân ra ngoài và hân hoan như được chạy miết trên thảo nguyên đầy gió, nhưng rốt cuộc chỉ là một khung cửa hẹp và cứ ở đó đóng mở chậm chạp.

Tôi không biết mình thực sự cần gì. Một thế giới cổ tích chăng? Những cơn thất vọng không đáng, không cần thiết cứ nối nhau đến và đi, như một món ăn lạt lẽo, làm niềm vui chẳng tày gang mà tâm hồn xâm xấp xám, cứ loãng dần ra đến độ chẳng biết định nghĩa là màu gì.

Sao bây giờ tôi lại trở thành như thế này?

Friday, July 22, 2011

Tháng 7

Mùa hè không giống mùa đông, thường khiến tôi ưu tư và vuốt ve những vết thương cũ như con mèo liếm láp lòng bàn chân, mà lại làm tôi khắc khoải. Cách nghĩ về chuyện cũ của mùa đông và mùa hè rất khác nhau. Trong mùa hè, mùa của những cơn giận dữ ngột ngạt, của những cảm giác cạn kiệt héo mòn, và cũng là của rất nhiều thứ đồng bóng rực rỡ, tôi có nhiều kí ức quá dữ dội với khoảng thời gian này trong năm, thành thử tháng 6- tháng 7 nào cũng thấy như thiếu thiếu một điều gì đó.

Mùa hè nào cũng đi chơi rất nhiều, làm việc cũng rất nhiều, cả ngày ngụp lặn ngoài đường rồi lại te tởn hết núi lại biển. Nhưng quan trọng là nó gắn với nhiều biến động, nhiều sự cố. Mỗi năm mùa hè lại đặt dấu ấn mãnh liệt của nó lên những câu chuyện của tôi hoặc ngược lại.

Năm nay tôi chào mùa hè bằng Bijin. Hai chuyến đi gần đây rất vui. Tôi thấy mình đã làm được nhiều điều, và mọi chuyện cũng đang khá tốt, tất nhiên không kể những chuyện đen đủi kiểu như mất điện thoại. Tôi đón nhận mọi chuyện bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn. Đang dần trở nên ổn định, vững chắc hơn, dù vẫn còn mơ mộng lắm, nhưng đây thật sự là một tín hiệu tốt.

Hôm nay tôi nghĩ lại những việc mình đã làm từ đầu mùa hè và cảm thấy mình có thể tự hào một chút về bản thân mình. Tôi nên học cách yêu thương trân trọng và tin tưởng bản thân mình nhiều hơn để vượt qua những cơn trầm cảm mà gần đây tôi quá dễ sa vào. Không có điều gì quá tệ, bản thân tôi cũng đã có những bước phát triển nhất định cho bản thân mình, vì điều gì mà tôi mãi đau buồn và tự than trách bản thân cũng như cảm giác vỡ mộng, sụp đổ nhiều đến vậy?
Chỉ mình tôi nhận ra mình đã khủng hoảng và lo lắng thế nào, bế tắc thế nào, tâm hồn nặng nề thế nào dù lý trí vẫn phân tích được điểm sáng của mọi thứ. Nhưng khống chế xúc cảm cũng là một việc mà con người phải cố gắng rất nhiều. Tôi không thể cho phép mình rơi tự do trong những không gian bí mật như thế được.

Hôm nay tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Những lúc như thế này thật dễ chịu làm sao. Những chuyến đi vô lo cũng có hiệu quả thật tích cực. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc sẽ viết một cái gì đó cụ thể và trở lại với việc vẽ vời đã gián đoạn quá lâu. Tôi cũng nghĩ đến việc sẽ trang trí lại căn phòng ở Hoàng Cầu dù không về ở đấy. Hi vọng tôi sẽ thu xếp đủ thời gian cho tất cả.

Wednesday, May 11, 2011

Đà Lạt và Lê Uyên Phương

Đường lên Đà Lạt ngập nắng. Tôi cứ ngỡ mình phải đóng cửa mọi quan tâm khác, để giữ lại nguyên vẹn cảm xúc về thành phố của Lê Uyên Phương.

Những năm 60, 70, Lê Uyên và Phương đã sống tại Đà Lạt và cùng tạo nên những "dạ khúc cho tình nhân". Thành phố mộng mơ đã là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu của đôi song ca nổi tiếng, là chốn dung thân cho những tháng ngày mỏi mệt, là nơi tái sinh sau những ngày khô kiệt, là thế giới đượm hương hoa và tràn ập ái tình. Có lẽ mong mỏi lớn nhất của tôi khi tới Đà Lạt là muốn được chạm vào không gian đã tạo nên những tình khúc tôi yêu thích, và biết đâu, cảm nhận được thêm một màu sắc nào đó trong những vần thơ nét nhạc quen thuộc kia.

Tôi đi giữa những bờ cỏ xanh, những con đường uốn lượn của Đà Lạt trong âm hưởng của Lê Uyên Phương. Cũng giống như khi nghe nhạc Đoàn Chuẩn, dù bất cứ đâu cũng có cảm giác bóng Hà Nội xưa nhè nhẹ lướt qua tâm trí, tôi đã thấy thành phố cao nguyên vừa nồng nàn vừa dịu êm trong những lời đau nặng của Phương và giọng hát chất ngất đê mê của Lê Uyên.

Đâu là khởi nguồn của xúc cảm? Tình yêu, lẽ sống hay chỉ giản đơn là mảnh đất nuôi dưỡng hồn người?

Tôi đã ngỡ sẽ tìm thấy ở đây những con đường duyên dáng vắng lặng, những mái nhà trắng mơ màng sau những đồi thông, một dáng vẻ dịu dàng ôm ấp trái tim cháy bỏng. Nhưng thành thật mà nói, tôi đã không được thấy đủ đầy.

Lãng du trong những xúc cảm của Lê Uyên Phương, hoang hoải kiếm tìm, nhưng dù có tách rời các yếu tố ảnh hưởng, tôi đôi khi cảm thấy mình lạc lối giữa sự đông đúc và đổi mới ở mảnh đất này.
Tự đáy lòng tôi hiểu mình không thể mong đợi được cất bước giữa những mộng mị của Đà Lạt như những ngày xa xưa, vẫn không tránh khỏi một chút chống chếnh.


"Theo em xuống phố trưa nay
Đang còn ngất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau
Bên ngoài nắng đã lên mau

Cho nhau hết những mê say
Cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chắt hết thơ ngây
Trên cánh môi say
Trên những đôi tay
Trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn.


Qua đi qua đi dứt cơn mê
Tình buồn chồng chất lê thê
Qua đi qua đi dứt cơn say
Tình này tình rồi thay

Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần
Còn vùi sâu còn vùi sâu trong ngao ngán
Không dứt hết cơn ê chề
Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần
Còn vùi sâu còn vùi sâu trong ngao ngán
Không dứt hết một lần đau..."


Nhưng Đà Lạt không để tôi rời đi như thế.

Bời thời khắc đẹp nhất đã đến, khi tôi đứng trước hồ Tuyền Lâm. Mặt hồ phẳng lặng, lòng người phẳng lặng. Tôi đã nghe tiếng Lê Uyên dừng lại nơi màu xanh huyền hoặc quanh hồ. Hầu như không có điểm chung giữa giọng thê thiết của Lê Uyên Phương khi hát Vũng lầy của chúng ta và khung cảnh tịch lặng này. Có một điều kì diệu nào đó đã diễn ra, những mỏi mệt trong tôi chợt tan biến, giữa nắng trưa gay gắt, tôi chôn chân trước màu xanh của Tuyền Lâm, nhẹ bẫng.

Đó dường như không phải điều tôi kiếm tìm, nhưng cảm giác thanh thản ấy thật lạ lùng, hiếm hoi và quí giá. Còn bao nhiêu vẻ đẹp Đà Lạt như thế mà tôi chưa biết...

Vì buổi trưa đó ở Tuyền Lâm, tôi biết mình sẽ còn quay lại Đà Lạt, như chờ đợi viết tiếp vào lòng mình, thêm một dấu yêu về đôi tình nhân đắm say đã chia nhau cả cái tên trên mảnh đất này.

Tuesday, April 19, 2011

Bút mực.

Trưa này tôi mới dùng những tờ tiền cuối cùng trong người để mua một cái bút mực, và mực. Sau đó hì hụi rửa bút và viết thử. Bút đẹp. Nét đẹp.

Nhưng hai tiếng sau khi mua, cầm cái bút trên tay, tôi vẫn không hiểu mình sẽ dùng nó để làm gì.

Đó không phải là một thú vui shopping bất chợt. Tôi đã định sẽ mua bút máy vì tôi thích bút mực từ xưa, thích những nét mực màu xanh thật là duyên dáng. Nhưng bây giờ, khi có trong tay, tôi mới tự hỏi là mình dùng nó vào lúc nào.

Đã từ lâu lắm rồi, email thay thế cho thư tay, cho những bức thư chuyền tay trong lớp, hoặc viết trên những thếp giấy in hoa văn màu để gửi tới bạn cũ, kèm theo những trái tim hay mặt cười đề-can. Mà bây giờ cũng chẳng mấy ai còn gửi email cho mục đích tình cảm, khi mà cước điện thoại rất rẻ và mạng xã hội nhiều như nấm.

Cũng đã rất lâu rồi, 360, multiply, blogspot, Fb thay cho nhật kí, tùy mong muốn gửi gắm ở mỗi nơi. Và cả những bản word nằm im lặng trong những folder nhỏ xíu trong máy tính, đôi khi có kèm password, và một vài trong số đó không bao giờ được mở ra nữa vì quên pass.

Công việc cần word, excel, powerpoint và PS. Ý tưởng phác thảo, ghi chú trong cuộc họp, được viết nhanh bằng bút chì.

Tôi cũng rất thích bút chì vì những nét mềm mại và phóng khoáng của nó, sự cơ động của nó, sự giản dị của nó.

Vậy tôi dùng bút mực vào lúc nào, cho việc gì?

Có thể là để kí và viết một vài chữ cho mỗi quyển sách mới mua.

Hoặc là viết một vài câu hát yêu thích lên quyển sổ đẹp (cũng không mấy khi dùng vào việc gì).

Để ngắm.

Hay là viết thư cho một ai đấy, chắc người đó sẽ trả lời bằng một cú điện thoại, hoặc buzz messenger, hoặc để lại vài lời trên wall FB.

...

Tôi chẳng tiếc 1 giây nào đã mua nó. Bây giờ tôi vẫn đặt nó trước mặt và ngắm nghía. Nhưng cũng như rất nhiều việc khác. Đôi khi tôi thấy mình lẩn thẩn giữa dòng chảy này. Và có rất nhiều thứ ta yêu thích lại không đặt được vào vị trí hợp lí của nó, vì vô vàn lí do hợp lí khác.

Monday, April 18, 2011

Tàn phai

<!--[if gte mso 9]> Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4

Năm tháng qua đi

Giữa những vết thương chẳng bao giờ khép miệng

Thanh xuân và yêu đương

Đã tàn theo cánh gió từ mùa thu năm nao

Tôi

Chỉ còn lại tấm thân héo mòn

Tâm hồn rách nát u sầu

Chìm trong đêm

Chìm trong đêm


Những ngày tháng ấy

Cuộc đời đầy những đau thương khốn khó

Tôi

Chạy nhanh giữa những đồi thông

Quên bàn chân rớm máu

Quên những tiếng gào khan

Hai bàn tay cào rách thế gian

Tôi

Chỉ còn gắng sức

Vì một tương lai cần nuôi nấng chở che


Năm tháng qua đi

Mùa xuân đã trôi xa trên những nếp nhăn già cỗi

Chẳng còn chờ đợi gì trong những sớm mai

Không còn cần kìm nén những nỗi đau

Không còn cần bươn mình trong sương gió

Hình hài bé nhỏ đã lớn khôn

Và vỗ cánh bay

Nhưng

Tôi lại chẳng còn gì


Đêm đen hòa trong máu

Sỏi đá lẫn thịt da

Như con tằm rút tơ trả nợ đời

Tôi chỉ còn cái vỏ

Rỗng

Và rồi sẽ chết khô.



Con yêu mẹ.

Tuesday, March 1, 2011

Tản mạn mùa xuân.

Mùa xuân ngọt ngào và mời gọi.

Nàng là cái kiểu gái mà ngày xưa mình chẳng ưa, sớm nắng chiều mưa, ủy mị, sướt mướt, ương ương, dở dở, điệu đàng quá thể và nhiều khi quá phù phiếm. Thế mà mấy năm nay, năm sau hơn năm trước, mình lại xốn xang với nàng nhiều hơn.

Có phải khi cái tuổi trẻ nó không còn là một thứ nghiễm nhiên, giống như thể ta có một suối nguồn vô tận dưới chân và cứ thoải mái tung tăng trên nó mà chẳng bận ưu phiền, khi ta thấy dòng chảy của nó nhỏ dần, chậm dần, thì ta bắt đầu thấy mùa xuân sao mà đáng yêu như thế.

Mùa xuân vác trên vai trọng trách báo sự hồi sinh của một vòng quay mới, vì thế mà nhân gian rưng rưng trước mỗi bước chân nàng.

Mùa xuân khiến mình mơ mộng.

Những nơi đã đi qua trong mùa xuân nay mỗi nơi mỗi khác, nhưng từ ánh nắng lấp lánh qua những hàng thông trên Tây Nguyên lộng gió, những bông hoa cúc vàng trước thềm cửa những ngôi nhà Quảng Nam, đến những con đường đầy hoa mận trắng tinh khôi nơi cao nguyên Mộc Châu, tất cả đều đượm đầy sức sống của mùa xuân.

Sự quyến rũ ngọt ngào của nàng, ấm áp, và mềm mại, như thể nàng chỉ hé môi cười, và đưa bàn tay nhỏ nhắn ra, khe khẽ vén tầng mây xám lên, là nắng sẽ tràn ngập mọi đỉnh núi, mọi dòng sông, mọi con đường, và muôn hoa bung nở, còn những kẻ si tình như mình thì chết chìm trong cảm giác hân hoan không sao ngừng lại được.

Những ngày xuân có dư vị như những ngày tháng mới yêu, khi mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn sự e ấp, tươi mới, si mê xao xuyến thẹn thùng, ngọt ngào như một đôi má chín ửng vì yêu, vì nụ hôn đầu. Mùa xuân là mùa của sự hồi sinh, cũng vì vậy mà khiến người ta hoài niệm, nhưng đến hoài niệm cũng mang một dáng vẻ gợi tình. Có lẽ vì vậy mà càng nhiều tuổi người ta càng thích mùa xuân.

Khi lang thang trên những con đường, mình nghĩ đến tuổi già. Khi bước sang tuổi năm 60, ước sao ta có thể thảnh thơi ngồi ngắm bốn mùa trôi qua đủ đầy vẻ đẹp của các nàng. Có một ngôi nhà ở Mộc Châu để mỗi mùa hoa đào, hoa mận nở, uống trà mà ngắm hoa bay. Có một ngôi nhà ở Đồng Văn để mùa hè ngắm núi một ngày qua cả bốn mùa, nắng mưa thay nhau nhảy múa trên những vùng trời lồng lộng. Mùa thu sẽ ở Hà Nội hoặc ở Hội An , để chờ trăng lên hay ngắm lá vàng thật dịu. Mùa đông ở Hà Nội để xem trời ủ bạc, rồi đôi tuần nắng đẹp, lên đường thong dong qua một vòng Tây Bắc, khi dã quỳ và trạng nguyên đã trải đầy các con đường.

Tuổi trẻ là để khám phá, còn tuổi già, thì để thưởng lãm nốt những yêu kiều của tự nhiên mà khi trẻ vội vã bỏ qua.

Đấy là mơ mộng thế, còn trong hiện tại, cố gắng đừng bỏ qua quá nhiều đã là ngọt ngào lắm rồi.

Mình cũng mơ, những người bạn bây giờ, đến ngày tháng ấy vẫnngồi cạnh nhau uống trà mà than tuổi trẻ mình dại thật. Mong sẽ là như thế.

Sunday, February 20, 2011

Người tình.

Hôm nay xem phim Người tình khi mà những kí ức về tác phẩm văn học gốc của nó chỉ còn là những nét phác đơn sơ.

Nhưng dù sao, cảm giác về nhân vật nữ vấn còn tương đối để nhẹ nhàng bước vào câu chuyện điện ảnh.

Mình không nhớ là trong truyện miêu tả nhiều như thế về tình dục, nhưng những cảnh làm tình nóng bỏng chiếm một thời lượng khổng lồ trong phim và điều sẽ khiến khán giả nhớ mãi là những khuôn hình ấy quá Thật.

Jane March, vào vai nhà văn Margaritte Duras thời thiếu nữ đã có một quá trình làm phim chắc không bao giờ quên được. Sau khi bộ phim công chiếu năm 1992, khán giả chấn động bởi những cảnh nóng quá sức tưởng tượng và Jane March đã bị áp lực đến trầm cảm vì đám đông tin rằng trong những cảnh ấy, cô đã làm tình thật với diễn viên đóng cặp, diễn viên Lương Gia Huy.

Đó thực ra là một câu chuyện đơn giản, về một thiếu nữ mười lăm tuổi rưỡi, bước vào đời sống tình dục với một chàng công tử giàu có người Tàu mới du học từ Paris trở về, trong nỗi cô đơn và khao khát khám phá nhục cảm cơ thể mới lớn của mình. Từ một chuyến xe, những rung động từ vẻ ngoài của đối phương đến sự khao khát không mơ hồ từ trong mình đã nhanh chóng kéo họ lại sát gần nhau. Sự bạo dạn lẫn run rẩy của chàng trai người Tàu được Lương Gia Huy thể hiện tốt. Chỉ sự di chuyển của những ngón tay cũng đủ khiến người xem phải thở chậm lại và chờ đợi.

Đoạn lần đầu tiên họ đến ngôi nhà riêng trong khu chợ Lớn của chàng trai là một đoạn vô cùng quan trọng. Một anh chàng Tàu giàu có, đã đi qua nhiều cuộc tình ở châu Âu và một cô gái người Pháp bé nhỏ, từ một gia đình sa sút ở xứ thuộc địa nghèo nàn, vẫn còn nguyên trinh. Trước tiên người đàn ông nhắc tới tình yêu, trong sự khao khát của anh ta có một cái gì đó như là tình yêu, anh ta sợ sẽ yêu cô bé. Nhưng ngược lại người đàn ông, cô gái bé nhỏ lại đề nghị hãy làm như anh ta đã từng làm với mọi phụ nữ khác. Điều đó lặp lại trong suốt thời gian quan hệ của họ, người đàn ông dằn vặt mình vì tình yêu không thể có được, còn cô bé giữ yên mọi thứ trong việc làm tình, và chỉ làm tình mà thôi.

Khi xem những đoạn này mình nhớ đến quyển Thiếu nữ đánh cờ vây, ở những chi tiết về sự tò mò nhục dục của thiếu nữ, hoặc chỉ đơn giản là những trải nghiệm khác nhau của các thiếu nữ về lần đầu tiên. Mình cũng so sánh cái cách họ chợt tìm thấy nhau, quấn lấy nhau và bùng nổ trong sự giản đơn đến ngớ ngẩn và lực hút không lí giải được của tình dục, trong mối quan hệ chỉ có làm tình, như Hajime và cô chị họ của bạn gái cậu ta trong Phía nam biên giới, phía tây mặt trời. Nhưng đặc biệt tương đồng là quyển Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường. Một mối quan hệ thuần thể xác, nhưng khi rời khỏi nhau, nhân vật nữ mới nhận ra mình yêu con người kia chừng nào.

Cuối phim có nhiều cảnh xúc động, nhưng mình lại thấy buồn nhất là khi người đàn ông người Hoa bảo cô bé nhắc lại với anh ta cô chỉ tìm anh ta vì tiền. Ở trên chiếc giường quen thuôc của họ, cô bé nhắc lại, chỉ tìm đến anh vì tiền, và vuốt ve người đàn ông, nhưng không còn một cảnh nóng nào tiếp diễn từ giây phút đó nữa, anh ta đã tuyệt vọng, kiệt quệ hoàn toàn.

Tại sao mình lại viết nhiều như vậy. Không phải mình quá tâm đắc bộ phim này. Nó và những thứ mà nó góp phần gợi nhắc tới, khiến mình tưởng nhớ và ngẫm nghĩ về những câu chuyện cũ.

Có lẽ là mình nên đọc lại quyển Người tình xem khác biệt lớn đến đâu.

Friday, January 28, 2011

Life

Thi thoảng tôi liên hệ cuộc sống của mình với một bộ phim hay một cuốn tiểu thuyết nào đó. Ai đó trong chúng ta chắc đã từng xúc động trước một câu chuyện và thấy hình bóng mình trong đó. Chúng ta có lẽ cũng đã từng nói "Nếu là mình thì..." và cũng chính chúng ta luôn nói "Đời chẳng như phim".
Đúng quá, cuộc đời chẳng như phim, không phải bởi ở đâu đó không diễn ra những cảnh cường điệu hay diệu kì như phim ảnh, không có những nội tâm phức tạp như tiểu thuyết (tất nhiên tôi không đề cập đến các thể loại kinh dị hay viễn tưởng), mọi thứ đều có thể ở ngoài kia. Vậy sự khác biệt ở đâu? Khác ở hồi kết.
Phim hay truyện sẽ kết lại ở một cảnh, ở đó có một dấu chấm, kể cả thể loại happy ending hay không, kể cả loại có gợi mở hoặc nhấn nhá thêm "to be continued", thì với người xem, thế là hết.
Cuộc sống của chúng ta thì khác. Dài dằng dặc.
Chúng ta có thể đang sống một cuộc đời bình lặng, hoặc nhiều biến cố, với người này có thể rất tốt, với người kia có thể rất tệ, không ai phán xét được cuộc sống của người khác, và thậm chí cũng chưa chắc đủ thời gian để nhận xét cuộc sống của mình. Bởi đó là một hành trình liên tục, mà đến lúc chúng ta nhắm mắt, chắc mới có thể hiểu được đích xác giá trị của những điều mình đã trải qua.
Tôi chỉ cảm thấy, đôi khi dù đang sống trong cơn bế tắc hay niềm yêu đời cuồng nhiệt, tôi sốt ruột vì sự vô hạn lẫn hữu hạn của thời gian.

Ta cần gì ở cuộc sống này?
Câu trả lời có giá trị tính theo thời điểm. Nhu cầu không phải là bất biến. Nhưng dù thế nào, điều quan trọng nhất, là đừng quên yêu mình. Không nâng niu mình, thì không bao giờ thấy nhu cầu của mình đặt đúng chỗ, và được đáp ứng đủ đầy.